Tại sao nhà bạn lau mãi vẫn bụi

Nếu bạn là người ưa thích sự sạch sẽ hoặc dị ứng với bụi, việc nhà thường xuyên bị bám bụi , dù ít hay nhiều, đều mang lại sự khó chịu.

Không thể nào đòi hỏi một ngôi nhà "không có chút bụi nào" nhưng bạn có cách để hạn chế đến mức thấp nhất việc bụi bặm lọt vào nhà.

Bụi đến từ nhiều nguồn khác nhau như ô nhiễm không khí, bụi bẩn trên mặt đất, thực vật trên đồng ruộng, cây cối, hay từ các loài chim chóc, sinh vật di chuyển trong không gian. Bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành một nguồn bụi.

Ở bên trong nhà, bụi đôi khi xuất hiện từ da chết, tóc rụng... do những người sinh hoạt trong nhà sản sinh ra. Bụi bẩn còn có thể từ vụn thức ăn thừa, từ các sợi lông của chăn, ga, thảm, màn, từ quần áo, từ thú nuôi, côn trùng chết...
Vậy làm thế nào để nhà bớt bụi bẩn?

Đóng cửa sổ (hoặc giới hạn độ hở của những cửa sổ mở)

Giải pháp này đặc biệt quan trọng nếu bạn sống gần mặt đường, đại lộ đông đúc. Chỉ nên mở cửa sổ một cách có chọn lọc, vào một số thời điểm nhất định trong ngày, khi giao thông thưa thớt. Với những phần cụ thể trong nhà mà bạn dành phần lớn thời gian ở đó (ví dụ phòng ngủ), bạn nên hạn chế độ mở của cửa sổ.

Giảm số lượng đồ nội thất mềm

Đồ nội thất mềm như đệm, nệm và thảm... làm đẹp thêm cho không gian phòng của bạn, nhưng chúng lại cũng chính là "thỏi nam châm hút bụi" khổng lồ, đồng thời tạo ra bụi khi chúng phân hủy theo thời gian. Do đó, bạn nên giữ chúng ở mức số lượng ít nhất có thể, hoặc mua những loại có thể giặt bằng máy để vệ sinh thường xuyên.

Hướng tới phong cách tối giản

Việc chất chồng đồ đạc trong nhà chỉ khiến nhà cửa khó vệ sinh, tạo ra nhiều ngóc ngách cho bụi bẩn đọng lại. Nên bài trí nhà theo phong cách tối giản, hoặc trang trí nhà một cách có chọn lọc. Cần cất gọn những món đồ sau khi sử dụng đi và để lại những món đồ thường dùng.

Cân bằng độ ẩm trong nhà của bạn

Độ ẩm và bụi tưởng chừng là hai vấn đề riêng biệt, nhưng chúng thực sự có liên quan với nhau. Để có một ngôi nhà ít bụi hơn, bạn nên kiểm tra độ ẩm trong nhà. Độ ẩm tốt nhất dao động trong khoảng 45-50%. Nếu nhà có độ ẩm thấp, bụi sẽ bám nhiều và lâu hơn trên bề mặt.

Đầu tư một chiếc máy hút bụi tốt

Máy hút bụi hiệu quả hơn rất nhiều so với việc sử dụng chổi quét bụi thông thường. Các loại máy hút không dây cầm tay có linh hoạt cao hơn, vì có thể dọn dẹp các góc nhỏ, sâu. Trong khi đó, robot hút bụi mang lại sự tiện lợi, khiến bạn đỡ mất công hơn.

Nên đầu tư tiền vào loại mà bạn thấy có lợi nhất cho ngôi nhà của mình. Lưu ý rằng bạn nên chọn những loại có bộ lọc HEPA, giúp loại bỏ các hạt bụi cực nhỏ và các chất gây dị ứng khác.

Lau sàn hàng ngày

Nếu bạn có một ngôi nhà thực sự nhiều bụi, ngoài việc hút bụi đều đặn vài lần một tuần, nên sử dụng cây lau sàn, khăn lau có độ thấm, hút tốt để lau mặt sàn khô, sạch.

Sử dụng máy lọc không khí

Nên chạy máy lọc không khí tại các khu vực trong nhà nơi bạn thường lui tới để giữ cho ngôi nhà ít bụi hơn. Lưu ý nên chọn những máy lọc không khí có bộ lọc HEPA. Đồng thời, bạn nên tìm hiểu về công suất của máy lọc, để đảm bảo rằng thông số Tỷ lệ phân phối không khí sạch (CADR) thích hợp với diện tích phòng mà bạn đặt máy.

Giặt ga trải giường thường xuyên và cất quần áo vào tủ ngay sau khi giặt giũ

Phòng ngủ thường là nơi có nhiều bụi bẩn nhất trong nhà, do số lượng lớn giường, gối, chăn và quần áo. Bạn nên thay ga trải giường mỗi tuần một lần, cất quần áo vào tủ ngay sau khi giặt giũ, tránh để bừa bãi.

Chú ý đến những khu vực thường xuyên bám bụi

Khi thực hiện vệ sinh nhà, bạn nên chú ý đến các khu vực ít được chú ý nhưng lại là "thỏi nam châm hút bụi", đó là quạt trần, đèn chiếu sáng, kệ, mặt trên tủ lạnh, máy lạnh, cây cảnh trong nhà...

Lưu ý quy tắc làm sạch từ trên xuống dưới

Ngoài quy tắc làm sạch từ trên xuống dưới, cao xuống thấp, nên lưu ý không sử dụng khăn khô lau bụi khắp nhà, bạn sẽ làm phát tán bụi khắp nơi. Với các sản phẩm nội thất có vải bọc hay là đồ dệt may, nên sử dụng con lăn xơ vải.